Chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận
- Chi tiết
- Viết bởi Thành lập, giải thể doanh nghiệp, công ty
Bà Dầu vay tiền của bà Mến và một phần tiền vay được con bà Dầu là ông A đứng ra bảo lãnh. Trong thời gian này, ông Phôn đang nợ bà Dầu một khoản tiền. Theo bà Mến trình bày, ngày 14/12/2004, bà Mến, bà Dầu, ông A và ông Phông gặp nhau và thống nhất chuyển nợ từ bà Dầu sang ông Phôn. Về phía mình, bà Dầu trình bày ngày 14/12/2004,
với sự có mặt của bà Dầu, bà Mến, ông Phôn và hai người thuê nhà làm chứng, bà Mến đã đồng ý chuyển khoản nợ 20.000.000 đồng mà bà Dầu ký giấy mượn của bà Mến để chuyển sang cho ông Phôn. Sau đó ông Phôn không thanh toán hết khoản tiền cho bà Mến nên bà Mến khởi kiện đòi bà Dầu và ông A phải trả nợ cho bà Mến.
Theo Tòa án, “Căn cứ lời khai của các đương sự cùng các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ thì việc chuyển nợ từ bà Dầu sang ông Phôn là có thỏa thuận của bà Mến, bà Dầu với ông Phôn, trong đó số nợ 20.000.000 đồng theo giấy vay tiền cầm nhà đề ngày 09/05/2003 giữa bà Mến với bà Dầu đã được chuyển sang nhập vào khoản nợ ông Phôn nợ bà Mến với tổng số nợ là 45.000.000 đồng theo giấy vay tiền đề ngày 14/12/2004”.
Từ đó, Tòa phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm theo hướng việc thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ trả nợ giữa các bên đối với khoản nợ vay 20.000.000 đồng là phù hợp với quy định của pháp luật; sau khi chuyển giao nghĩa vụ, người có nghĩa vụ trả tiền cho bà Mến đối với khoản nợ 20.000.000 đồng này phải là ông Phôn; bác yêu cầu của bà Mến đòi bà Dầu và ông A phải trả số tiền 20.000.000 đồng.
Ý nghĩa của bản án:
Việc chuyển giao nghĩa vụ hợp pháp sẽ làm giải phóng trách nhiệm của người có nghĩa vụ ban đầu.
Bình luận của tác giả:
Bên cạnh chế định chuyển giao nghĩa vụ, BLDS còn có chế định về “thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba” tại điều 293 BLDS 2005 (tức Điều 298 BLDS 1995) theo đó: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự”. Trong thực tế, ranh giới giữa hai chế định chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận và thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba rất khó phân định.
Ví dụ liên quan đến tranh chấp giữa một công ty Việt Nam và một công ty Hồng Kông sau đây cho thấy điều này: Công ty Việt Nam bán cho Công ty Hồng Kông một số lượng gạo. Thực hiện hợp đồng, Công ty Hồng Kông chỉ định một công ty khác ở nước thứ ba (người mua lại lô gạo) mở LC tại ngân hàng ở nước thứ ba cho Công ty Việt Nam thụ hưởng. Giá trị gạo là 1.700.000 USD nhưng công ty thứ ba chỉ thanh toán cho 1.200.000 USD. Công ty Việt Nam yêu cầu người thứ ba thanh toán phần còn lại nhưng không được đáp ứng, do đó quay sang yêu cầu Công ty Hồng Kông thanh toán. Tuy nhiên, theo Công ty Hồng Kông, việc Công ty Việt Nam chấp nhận mở LC theo yêu cầu của người mua lại gạo ngầm hiểu là đã chấp nhận việc chuyển nghĩa vụ trả tiền từ Công ty Hồng Kông sang bên thứ ba, do vậy Công ty Hồng Kông không còn nghĩa vụ trả tiền cho Công ty Việt Nam nữa. Quan điểm này không được Trọng tài chấp nhận. Theo Trọng tài,
Trong quan hệ hợp đồng mua bán, người mua có nghĩa vụ trả tiền hàng cho người bán. Người mua tự trả, hoặc chuyển nghĩa vụ trả tiền sang người thứ ba, hoặc có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình trả tiền. Hành vi cụ thể của Công ty Hồng Kông trong vụ tranh chấp này không được coi là chuyển nghĩa vụ trả tiền sang người thứ ba, bởi vì thứ nhất, chưa hề có một sự thỏa thuận thống nhất giữa ba bên: bị đơn (Công ty Hồng Kông) là người mua, nguyên đơn (Công ty Việt Nam) là người bán và người thứ ba là người mua lại gạo về việc chuyển nghĩa vụ từ bị đơn sang người thứ ba. Sự ngầm hiểu mà bị đơn nêu trong văn thư của mình chỉ là sự diễn giải đơn phương, không có đủ bằng chứng và không thể chấp nhận được. Thứ hai, trước khi LC được mở, nguyên đơn không hề được thông báo về nghĩa vụ trả tiền hàng của bị đơn đã được chuyển sang bên thứ ba, vì vậy, hành vi trả tiền của bên thứ ba theo chỉ thị của bị đơn được coi là việc bị đơn ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ, từ đó bị đơn vẫn phải chịu trách nhiệm trước nguyên đơn về việc bên thứ ba không thực hiện đúng nghĩa vụ đó”[1].
Do ranh giới giữa hai chế định này rất mỏng manh nên cần thận trọng trong việc soạn thảo thỏa thuận để làm rõ sự khác nhau giữa ủy quyền thực hiện nghĩa vụ và chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận.
Theo Điều 315 BLDS 2005 (tức Điều 321 BLDS 1995), bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ “nếu được bên có quyền đồng ý”. Bộ nguyên tắc Unidroit cũng yêu cầu phải có sự đồng ý của người có quyền như BLDS nước ta nhưng khác với của ta, Bộ nguyên tắc Unidroit có quy định về phương thức “đồng ý” của người có quyền. Cụ thể, theo Điều 9.2.4, khoản 1: “Người có quyền có thể đồng ý trước về việc chuyển giao nghĩa vụ”. VD, chủ sở hữu sáng chế X ký hợp đồng chuyển giao công nghệ với A. Trong thời hạn 10 năm, A phải trả tiền thù lao cho X. Vào thời điểm ký kết hợp đồng, A dự kiến là đến một thời điểm nhất định, tiền thù lao đó sẽ do công ty con của mình là B thanh toán. X có thể đồng ý trước trong hợp đồng là nghĩa vụ thanh toán tiền thù lao được chuyển từ A sang B. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên theo hướng giải quyết này. Giải pháp đó hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Bộ luật dân sự 2005 theo đó cần dành cho các bên nhiều tự do hợp đồng.
Khi có chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ là người có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vấn đề còn lại là người có nghĩa vụ ban đầu có được giải phóng nghĩa vụ với bên có quyền không? Câu trả lời là rất quan trọng, nhất là khi người thế nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ. Thực tế cho thấy, các hệ thống luật tương đối khác nhau. Ở châu Âu, một số nước cho rằng người có nghĩa vụ ban đầu được giải phóng hoàn toàn nhưng một số nước lại quy định ngược lại.
BLDS nước ta còn rất sơ sài về vấn đề này. Theo BLDS thì “trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thỏa thuận khác”. Như vậy, việc chuyển giao nghĩa vụ giải phóng các biện pháp bảo đảm. Trong thực tế, có hai loại bảo đảm chủ yếu là bảo đảm do chính người có nghĩa vụ cung cấp như cầm cố, thế chấp tài sản của bên có nghĩa vụ hoặc do người thứ ba thực hiện như bảo lãnh. BLDS không phân biệt hai loại này nên việc giải phóng biện pháp bảo đảm áp dụng cho bất kỳ loại bảo đảm nào. Trong bản án này, nghĩa vụ của bà Dầu có ông A bảo lãnh. Với quy định vừa nêu thì khi nghĩa vụ được chuyển giao theo thỏa thuận cho người khác thì biện pháp bảo lãnh chấm dứt, tức ông A không còn trách nhiệm với bà Mến nữa. Đây cũng là hướng giải quyết của Tòa án trong bản án này bởi vì sau khi thừa nhận việc chuyển giao nghĩa vụ theo thỏa thuận là hợp pháp, Tòa án đã “bác yêu cầu của bà Mến đòi ông A phải trả số tiền 20.000.000 đồng”.
BLDS của chúng ta không cho biết là người có nghĩa vụ ban đầu có được giải phóng hay không. Nếu chúng ta cho rằng người có nghĩa vụ ban đầu vẫn có trách nhiệm đối với người có quyền thì chúng ta không thấy sự khác nhau giữa chế định chuyển giao nghĩa vụ được quy định tại Điều 315, 316, 317 BLDS 2005 với chế định về “thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba” tại điều 293 BLDS 2005. Do vậy, để chuyển giao nghĩa vụ là một chế định độc lập với chế định thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba, chúng ta nên cho rằng việc chuyển giao nghĩa vụ giải phóng người có nghĩa vụ ban đầu trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Đây cũng là giải pháp mà Tòa án áp dụng trong bản án đang được bình luận.
Hệ quả đầu tiên của chuyển giao nghĩa vụ là người thế nghĩa vụ trở thành người có nghĩa vụ đối với bên có quyền. Do đó, bên có quyền được phép yêu cầu người này thực hiện nghĩa vụ được chuyển giao. Ngoại trừ những biện pháp bảo đảm như đề cập ở trên, nội dung của nghĩa vụ được chuyển giao không bị thay đổi. Chẳng hạn, nếu là chuyển nợ thì bên thế nghĩa vụ có trách nhiệm thanh toán cả nợ chính và lãi. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, mối quan hệ giữa người có quyền và người thế nghĩa vụ rất phức tạp trong khi đó BLDS không có quy định nào về vấn đề này.
Chẳng hạn như người thế nghĩa vụ có thể viện dẫn mối quan hệ của mình với người có nghĩa vụ ban đầu để đối kháng với người có quyền hay không? Theo Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng thì người có nghĩa vụ mới không thể viện dẫn mối quan hệ của mình với người có nghĩa vụ ban đầu để đối kháng với người có quyền (Điều 12.102, khoản 1). Ở đây, quy phạm này bảo vệ bên có quyền và được áp dụng ngay cả khi bên có quyền biết rằng mối quan hệ giữa người thế nghĩa vụ và người có nghĩa vụ ban đầu có khả năng vô hiệu. VD: A bán cho C một tác phẩm nghệ thuật được các bên coi là tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc thời Trung cổ với giá là 20.000 euro và thỏa thuận rằng C thay thế A với tư cách là người có nghĩa vụ đối với Ngân hàng B. Sau khi nhận được thông báo của A, Ngân hàng B đồng ý việc thế nghĩa vụ này. Nhưng ít lâu sau, có chứng cứ rõ ràng A đã bán cho C tác phẩm nghệ thuật giả. Theo quy định của Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng thì sự việc này không làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao nghĩa vụ.
Thiết nghĩ chúng ta cũng nên theo hướng này nhằm đảm bảo quyền lợi của người có quyền. Bởi lẽ, theo BLDS thì trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt. Để bù trừ việc chấm dứt các biện pháp bảo đảm này, chúng ta không nên cho phép viện dẫn mối quan hệ giữa người có nghĩa vụ ban đầu và người có nghĩa vụ mới để cản trở hiệu lực của việc chuyển giao nghĩa vụ.
Như đã nói ở trên, nội dung của nghĩa vụ được chuyển giao không bị thay đổi mặc dù người thực hiện nghĩa vụ thay đổi. Do vậy, mặc dù BLDS hiện hành không có quy định rõ ràng, chúng ta nên cho phép người có nghĩa vụ mới viện dẫn những đối kháng mà người có nghĩa vụ ban đầu có thể viện dẫn để đối kháng với người có quyền. Ở đây, chuyển giao nghĩa vụ thì chuyển giao cả những nghĩa vụ và quyền gắn liền với nghĩa vụ này. Chẳng hạn, nếu trước đây, người có nghĩa vụ ban đầu có quyền tạm đình chỉ hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền trên cơ sở áp dụng các biện pháp phòng vệ (VD do người có quyền không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình) thì người có nghĩa vụ mới cũng có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ đó đối với người có quyền.
VD: doanh nghiệp A nợ doanh nghiệp X 200 triệu tiền dịch vụ và phải trả số tiền này vào cuối năm. Được sự đồng ý của X, A chuyển giao khoản nợ này cho B. Các dịch vụ mà X cung cấp cho A rất kém chất lượng nên cho A được áp dụng các biện pháp phòng vệ để từ chối thanh toán. Khi đến hạn thanh toán, B cũng có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ này đối với với X. Giải pháp đó cũng được áp dụng đối với các biện pháp phòng vệ trong tố tụng. VD: các dữ kiện tương tự như trong ví dụ vừa rồi nhưng X khởi kiện B ra trước Tòa án nơi X có trụ sở. B có thể viện dẫn điều khoản trọng tài ghi trong hợp đồng giữa A và X. Đây là biện pháp đối kháng mà A có thể viện dẫn đối với X.
Tuy nhiên, cần phải nêu rằng quy định trên chỉ được áp dụng đối với những biện pháp đối kháng mà người có nghĩa vụ ban đầu có thể viện dẫn đối với người có quyền trước khi việc chuyển giao nghĩa vụ có hiệu lực. Chẳng hạn, sau khi chuyển giao nghĩa vụ, người có quyền đi vay bên có nghĩa vụ ban đầu một khoản tiền. Ở đây, khoản tiền này có thể bù trừ với món nợ của người có nghĩa vụ ban đầu nếu không có sự chuyển giao nghĩa vụ. Nhưng vì việc bù trừ này chỉ tồn tại sau khi chuyển giao nghĩa vụ có hiệu lực nên người có nghĩa vụ mới không được viện dẫn để đối kháng với người có quyền.
Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp
Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.
“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN ”
- dich vu soan thao hop dong
- dịch vụ soạn thảo hợp đồng kinh tế
- dich vu thanh lap cong ty
- luat su soan thao hop dong
- soan thao hop dong
- soan thao hop dong chuyen nghiep
- soan thao hop dong kinh te
- tu van doanh nghiep
- tu van hop dong
- tư vấn hợp đồng
- tu van luat doanh nghiep
- tư vấn luật doanh nghiệp
- tu van soan thao hop dong
Thông tin luật mới nhất
- Giao kết, thực hiện hợp đồng tín dụng, một số lỗi thường gặp (28/03/2022)
- Giao kết thực hiện hợp đồng đấu thầu, một số lỗi thường gặp (28/03/2022)
- Hủy bỏ do không thực hiện đúng hợp đồng (28/03/2022)
- Không thực hiện đúng hợp đồng do sự kiện bất khả kháng (28/03/2022)
- Vi phạm hợp đồng trước thời hạn (28/03/2022)
Thông tin luật cũ hơn
- Tranh chấp hợp đồng vận tải (28/03/2022)
- Đăng ký hợp đồng cho thuê tài chính (28/03/2022)
- Mua nhà không cần qua công chứng, một đề xuất rủi ro (28/03/2022)
- Rủi ro khi giao kết hợp đồng qua Fax (28/03/2022)
- Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba có những rủi ro gì ? (28/03/2022)
- Hủy giấy ủy quyền khi không còn tin tưởng? (28/03/2022)
- Khác biệt giữa giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền (28/03/2022)
- Thực hiện hợp đồng (28/03/2022)
- Giao kết hợp đồng (28/03/2022)
- Thời điểm soạn thảo hợp đồng có hiệu lực (28/03/2022)