Không thực hiện đúng hợp đồng do sự kiện bất khả kháng

ko-thuc-hien-dung-hop-dongNgày 16/08/1999, ông Khóm vận chuyển 2.600 con vịt cho ông Điền và ông Trình. Tuy hợp đồng miệng nhưng các bên không tranh chấp về hợp đồng này và thỏa thuận này phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 539 BLDS 1995 (Hợp đồng vận chuyển tài sản có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản).

 

Trong quá trình vận chuyển đã có thiệt hại xảy ra đêm ngày 16/08/1999 do mưa gió to, nước chảy mạnh, tàu va vào chân tàu bị chìm. Tổn thất mất và chết 2.260 con vịt, chỉ còn lại 340 con. Tổng số thiệt hại các bên xác định là 79.100.000 đ. Ông Khóm và ông Điền, ông Trình đã thỏa thuận về việc ông Khóm bồi thường số tiền này cho ông Điền và ông Trình. Nay ông Khóm yêu cầu Bảo Việt bảo hiểm cho ông số tiền bồi thường này theo hợp đồng bảo hiểm số 007427 ngày 23/04/1999.

 

Theo hợp đồng bảo hiểm trên, ông Khóm tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu với bên thứ ba với mức trách nhiệm là 100 triệu đồng tại Bảo Việt An Giang. Phía bảo hiểm đã căn cứ vào Điều 30 Thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hoá thủy nội địa quy định bên vận chuyển được miễn bồi thường trong trường hợp do thiên tai, địch họa hoặc bất khả kháng để từ chối trả bảo hiểm cho ông Khóm. Tòa dân sự đã bác bỏ lập luận này của Bảo Việt và cho rằng việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm và các quy định từ Điều 571 đến 584 của BLDS 1995.

 

Tòa dân sự căn cứ phạm vi bảo hiểm nêu trong hợp đồng bảo hiểm, theo đó Bảo Việt nhận trách nhiệm bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hóa, tài sản chuyên chở trên tàu được bảo hiểm. Bên cạnh đó, các trường hợp loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm không có quy định về việc Bảo Việt được từ chối trách nhiệm do tai nạn tàu bị chìm vì gió bão. Cuối cùng, Điều 549 BLDS 1995 vẫn cho phép người vận chuyển và bên thuê vận chuyển được thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngay cả trong trường hợp bất khả kháng. Căn cứ vào các quy định và tình tiết này, Tòa dân sự cho rằng thỏa thuận giữa ông Khóm và ông Trinh, ông Điền là không trái pháp luật, có hiệu lực và ràng buộc cả Bảo Việt An Giang và việc Bảo Việt An Giang từ chối trách nhiệm là không đúng.

Ý nghĩa bản án:

Thỏa thuận giữa các bên về việc bên có nghĩa vụ vẫn phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng có hiệu lực pháp luật và ràng buộc cả bên bảo hiểm cho bên có nghĩa vụ đó, ngoại trừ trường hợp bên bảo hiểm nêu rõ trong hợp đồng bảo hiểm về việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Bình luận của tác giả:

Căn cứ Khoản 1 Điều 161 BLDS 2005[1], để là một trường hợp “bất khả kháng” thì phải có ba điều kiện[2]:

- Thứ nhất, đây phải là “sự kiện xảy ra một cách khách quan”. Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như thiên tai, nhưng cũng có thể là do con người gây ra như hành động của một người thứ ba. Tuy vậy, khi doanh nghiệp không thể thực hiện được hợp đồng đối với đối tác của mình do công nhân của doanh nghiệp đó đình công thì đó không được coi là một sự kiện xảy ra một cách khách quan.

 

- Thứ hai, đây phải là sự kiện “không thể lường trước được”. Nếu căn cứ theo Luật thương mại 1997 thì sự kiện này phải không thể lường được tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng xảy ra sau thời điểm giao kết hợp đồng. Trong trường hợp các bên không lường trước được sự kiện tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng sự kiện này xảy ra vào thời điểm giao kết hợp đồng thì chúng ta không áp dụng chế định “bất khả kháng” mà vận dụng những quy định liên quan đến giao kết hợp đồng[3]. VD, công ty A nhận vận chuyển một lô hàng cho Công ty B bằng tàu C. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, tàu C đang được sử dụng ngoài khơi và bị đắm chìm nhưng việc này chưa được thông báo về cho công ty A. Như vậy, A và B không lường được sự kiện làm cản trở việc thực hiện hợp đồng nhưng sự kiện này đã xảy ra tại thời điểm giao kết hợp đồng.

 

-Thứ ba, sự việc xảy ra “không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Về nguyên tắc, khi nghĩa vụ hợp đồng không thể thực hiện được vì lý do bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ không có trách nhiệm bồi thường bởi theo Điều 302.2 BLDS 2005 (tương đương Điều 308.2 BLDS 1995):”Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Tuy vậy, điều luật này cũng cho phép các bên thỏa thuận khác đi. Tương tự như vậy, Điều 546.3 BLDS quy định:” Trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất mát, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

 

Trong thực tế không hiếm trường hợp trước hoặc sau khi sự kiện bất khả kháng đã xảy ra, các bên thỏa thuận là bên có nghĩa vụ bồi thường cho bên có quyền và thỏa thuận này được Tòa án công nhận. Trong bản án này, ông Khóm là chủ tàu chuyên vận chuyển hàng hóa. Đáng ra, theo những quy định trích dẫn ở phần trên, ông Khóm không có nghĩa vụ bồi thường. Nhưng ông Khóm đã thỏa thuận với bên có quyền là ông chịu trách nhiệm bồi thường. Thỏa thuận bồi thường này phù hợp với quy định của BLDS và khi tranh chấp xảy ra, Tòa án cũng thừa nhận giá trị pháp lý của thỏa thuận.

 

Trong trường hợp bên có nghĩa vụ và bên có quyền tự nguyện thỏa thuận về việc bên có nghĩa vụ vẫn bồi thường cho bên có quyền khi xảy ra sự kiện bất khả kháng thì bên có nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên bảo hiểm thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm không? Trong bản án này, Tòa dân sự đã công nhận thỏa thuận bồi thường của bên có nghĩa vụ và buộc bên bảo hiểm phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của mình. Tòa án đã dựa vào các căn cứ sau để đưa ra kết luận này:

 

- Căn cứ vào những quy định về hợp đồng bảo hiểm trong BLDS, nội dung của hợp đồng bảo hiểm;

- Căn cứ vào quy định về thỏa thuận bồi thường khi xảy ra sự kiện bất khả kháng trong chế định hợp đồng vận chuyển tài sản;

- Tòa án đã bác bỏ lập luận của Bảo Việt cho rằng theo Điều 30 Thể lệ vận chuyển và xếp dỡ hàng hóa thủy nội địa thì bên vận chuyển được miễn bồi thường trong trường hợp thiên tai, địch họa hay bất khả kháng. Bởi vì thể lệ này chưa hẳn đã cấm các bên có thỏa thuận về bồi thường thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng. Mặt khác, đây không hẳn đã là một phần nội dung của hợp đồng bảo hiểm. Do đó, thể lệ này không có hiệu lực đối với các bên trong hợp đồng bảo hiểm.

 

- Theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng bảo hiểm về những loại trừ trong bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu thì không có thỏa thuận nào về việc Bảo Việt được từ chối trách nhiệm do tai nạn tàu bị chìm vì gió bão.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

[1] Phần định nghĩa bất khả kháng trong BLDS 2005 không nằm trong phần hợp đồng mà trong phần thời hiệu, cụ thể là để xác định “thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”.

[2] Luật thương mại 2005 không đưa ra định nghĩa về bất khả kháng. Theo khoản 2 điều 77 Luật thương mại 1997 thì : “Trường hợp bất khả kháng là trường hợp xảy ra sau khi ký kết hợp đồng, do những sự kiện có tính chất bất thường xảy ra mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được”.

[3] Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 411 BLDS 2005:”Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu”.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN