Giao kết hợp đồng

giao-ket-hop-dongGiao kết hợp đồng dân sự là việc các bên bày tỏ ý chí với nhau theo những nguyên tắc và trình tự nhất định để qua đó xác lập với nhau các quyền và nghĩa vụ dân sự.

 

Nguyên tắc giao kết

Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 389 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 gồm:

   1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

   2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

Như vậy, hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận thống nhất ý chí của các chủ thể tham gia dựa trên nguyên tắc tự do giao kết và tự nguyện, bình đẳng khi giao kết vì vậy tất cả các hợp đồng được giao kết do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, đe dọa là những hợp đồng không đáp ứng được nguyên tắc tự nguyện, tự do khi giao kết hay là những hợp đồng có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội đều bị coi là vô hiệu.

Trình tự giao kết

Trình tự giao kết hợp đồng: là một quá trình trong đó các bên bày tỏ ý chí với nhau bằng cách trao đổi các ý kiến trong việc cùng nhau đi đến những thỏa thuận làm phát sinh quyền và nghĩa vụ. Về thực chất, đó là quá trình mà hai bên “mặc cả” với nhau về những điều khoản trong nội dung của hợp đồng.

Quá trình này diễn ra qua hai giai đoạn được pháp luật dân sự quy định như sau:

Giai đoạn thứ nhất: Đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng: là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể. Thực chất, đề nghị giao kết hợp đồng là việc một bên biểu lộ ý chí của mình trước người khác bằng cách bày tỏ cho phía bên kia biết ý muốn tham gia giao kết với người đó một hợp đồng dân sự.

Về mặt hình thức, việc đề nghị giao kết hợp đồng được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau như:

Người đề nghị có thể gặp trực tiếp (đối mặt) với người được đề nghị trao đổi thỏa thuận hoặc có thể thông qua các đường liên lạc khác như đện thoại, liên lạc ở trên mạng Internet….Trong những trường hợp này thời hạn trả lời là một khoảng thời gian do hai bên thỏa thuận ấn định.

Đề nghị giao kết hợp đồng dân sự còn có thể được thực hiện bằng việc chuyển, gởi công văn, giấy tờ qua đường bưu điện….Trong trường hợp này thời hạn trả lời là một khoảng thời gian do bên đề nghị ấn định.

Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực (Điều 391 Bộ luật dân sự 2005 được xác định như sau: Do bên đề nghị ấn định hoặc nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

- Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

- Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

- Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 392 Bộ luật dân sự 2005): Lời đề nghị mặc dù chưa phải là một hợp đồng nhưng ít nhiều đã có tính chất ràng buộc đối với người đề nghị. Tuy nhiên, bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

- Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị.

- Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.

Huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 393 Bộ luật dân sự 2005): Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền huỷ bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng (Điều 394 Bộ luật dân sự 2005): Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp:

- Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

- Hết thời hạn trả lời chấp nhận, chậm trả lời chấp nhận;

- Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

- Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;

- Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất (Điều 395 Bộ luật dân sự 2005): Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

Giai đoạn thứ hai: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Chấp nhận giao kết hợp đồng thực chất là việc bên được đề nghị nhận lời đề nghị và đồng ý tiến hành việc giao kết hợp đồng với bên đã đề nghị

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được hiểu như sau: (Điều 397 Bộ luật dân sự 2005):

Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời. Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời. Nếu việc trả lời được chuyển qua đường bưu điện, thì ngày gửi đi theo dấu bưu điện được coi là thời điểm trả lời, căn cứ vào thời điểm đó để bên đề nghị xác định việc trả lời đề nghị có chậm hay không so với thời hạn đã ấn định.

Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết: Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết (hoặc mất năng lực hành vi dân sự) sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng (Điều 400 Bộ luật dân sự 2005): Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

Thực hiện giao kết

Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự: Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự: Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Giải thích hợp đồng:

- Nếu hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.

- Nếu một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

- Nếu hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.

- Nếu hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

- Nếu hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng.

- Nếu các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

- Nếu trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

- Nếu trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN