Phân loại Hợp đồng mua bán hàng hóa và Hợp đồng mua bán tài sản

phan-loai-hop-dong-hang-hoaHợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, nó là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán ...

Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.

 

Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng, nó là sự thỏa thuận nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán. Luật Thương mại không đưa ra định nghĩa về hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại nhưng có thể dựa vào khái niệm hợp đồng mua bán tài sản tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2005.

Phân biệt hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng mua bán tài sản:

Thứ nhất, về đối tượng

- Hợp đồng mua bán hàn hóa trong thương mại có đối tượng là hàng hóa. Luật Thương mại 2005 quy định:

Hàng hóa bao gồm:

a) Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;

b) Những vật gắn liền với đất đai”

Như vậy, trong thương mại hàng hóa thuộc đối tượng mua bán có thể là hàng hóa hiện đang tồn tại hoặc sẽ có trong tương lai, hàng hóa có thể là động sản hoặc bất động sản được phép lưu thông thương mại và loại trừ một số hàng hóa đặc biệt chịu sự điều chỉnh riêng như cổ phiếu, trái phiếu…

- Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản rộng hơn là các loại tài sản quy định trong điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2005 bao gồm vật, tiền, giấy tờ có góa và các quyền tài sản được phép giao dịch.

Thứ hai, về chủ thể của hợp đồng

- Chủ thể của Hợp đồng mua bán hàng hóa chủ yếu là thương nhân: Khái niệm về thương nhân được đề cập đến trong khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại bao gồm: tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp; cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài (trong hợp đồng thương mại quốc tế). Ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa. Hoạt động của chủ thể không phải là thương nhân và không nhằm mục đích lợi nhuận trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa chỉ phải tuân theo Luật Thương mại khi chủ thể này lựa chọn áp dụng Luật Thương mại.

- Chủ thể tham gia hợp đồng mua bán tài sản có thể là mọi tổ chức, cá nhân đầy đủ năng lực, có nhu cầu mua bán tài sản, có sự mở rộng hơn rất nhiều so với chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

Thứ ba, về mục đích

- Hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại chủ yếu là để kinh doanh thu lợi nhuận cho các thương nhân; phần nào đó phục vụ cho mục đích tiêu dùng và các mục đích khác tùy theo mong muốn và nhu cầu của họ trong từng thời điểm. - Hợp đồng mua bán tài sản có nhiều mục đích khác nhau như: tiêu dùng, tặng, cho, làm từ thiện…

Thứ tư, về hình thức hợp đồng

Chúng ta hầu như không thấy sự khác biệt nào khi só sánh Điều 401 về hình thức hợp đồng dân sự của Bộ luật Dân sự 2005 với Điều 24 của Luật thương mại năm 2005 về hình thức Hợp đồng mua bán hàng hóa, chúng đều có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, trong thực tế kinh doanh, đối tượng là hàng hóa thường mang số lượng nhiều, giá trị lớn và để đảm bảo lợi ích, tránh xảy ra tranh chấp không đáng có thì hình thức hợp đồng bằng văn bản hay được ưu tiên do những ưu điểm vốn có của nó (minh bạch, rõ ràng, có thể đưa ra làm bằng chứng khi có tranh chấp).

Thứ năm, về nội dung hợp đồng

- Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hóa là các điều khoản do các bên thỏa thuận, thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng, là sự phát triển tiếp tục những quy định của dân luật truyền thống về Hợp đồng mua bán tài sản.

Có rất nhiều quy định tạo nên sự khác biệt như: quy định về nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, giá không phải là nội dung bắt buộc để Hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực. Bởi ngay cả khi không có sự thỏa thuận về giá hàng hóa, không có sự thỏa thuận về phương pháp xác định giá và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá thì giá của hàng hóa được xác định theo giá của loại hàng hóa đó trong các điều kiện tương tự về phương thức giao hàng, thời điểm mua hàng hóa, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá (Điều 52 Luật Thương mại 2005).

- Hợp đồng mua bán tài sản thường mang tính chất nhỏ, lẻ thì việc thỏa thuận về giá mang ý nghĩa rất lớn. Để tránh xảy ra tranh chấp, các chủ thể, đặc biệt là các thương nhân phải chú ý đặc điểm khác biệt này trong kinh doanh.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp. Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN