Hợp đồng thương mại dịch vụ

hop-dong-thuong-mai-dich-vuBài viết đưa ra một khái niệm mới về hợp đồng thương mại dịch vụ trên cơ sở phân tích những đặc điểm của loại hợp đồng này để so sánh với cách gọi khác là hợp đồng cung ứng dịch vụ trong Luật Thương mại 2005. Từ đó phân tích những vai trò và tầm trọng của loại hợp đồng này đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Khi thị trường thương mại dịch vụ Việt Nam đang tiến trình mở cửa theo cam kết WTO sẽ xuất hiện nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức đối với doanh nghiệp thương mại dịch vụ Việt Nam thì hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ là cơ sở pháp lý, là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp nước ta nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và thâm nhập thị trường dịch vụ nước ngoài.

Cùng với tiến trình tự do hóa thương mại và sự phát triển ngày càng đa dạng của các loại hình thị trường trong nền kinh tế thị trường, dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế của hầu hết các nước phát triển. Mặc dù ở Việt Nam năm 2010 tỷ trọng ngành dịch vụ chỉ chiếm trên 37,7% GDP[1], nhưng đây là bước tiến dài của chúng ta trong 10 năm qua. Đạt được bước tiến vượt bậc này một phần lớn là nhờ kết quả việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một sân chơi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS) cung cấp một cách tiếp cận mới về dịch vụ dựa trên khái niệm thương mại dịch vụ, đã mở rộng nội dung và phạm vi hoạt động và cơ hội trong lĩnh vực này cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dịch vụ đã trở thành hàng hóa và việc trao đổi, mua bán dịch vụ ngày càng trở nên sôi động, phổ biến khi thị trường thương mại dịch vụ được mở cửa, tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp Việt nam với nhau cũng như giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Việt Nam với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài. Để có thể nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ các doanh nghiệp đã sử dụng hợp đồng thương mại dịch vụ như một công cụ pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia thị trường thương mại dịch vụ.

Vấn đề đặt ra là, hợp đồng thương mại dịch vụ là gì? hợp đồng thương mại dịch vụ có đặc điểm gì khác so với các hợp đồng thương mại hàng hóa? Vì sao các doanh nghiệp lại sử dụng hợp đồng thương mại dịch vụ như một công cụ để nâng cao sức cạnh tranh của mình? Bài viết này sẽ phân tích những vấn đề trên.

   Khái niệm hợp đồng thương mại dịch vụ

Khái niệm về hợp đồng thương mại dịch vụ là một khái niệm mới, cho đến nay vẫn chưa có một học giả, nhà nghiên cứu nào đưa ra khái niệm này. Thông thường chúng ta đề cập đến hợp đồng thương mại nói chung hoặc đi sâu hơn nữa là hợp đồng cung cấp dịch vụ hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ như trong Luật thương mại Việt Nam 2005 sử dụng. Vậy hợp đồng thương mại dịch vụ và hợp đồng cung cấp dịch vụ hay hợp đồng cung ứng dịch vụ có giống nhau không? và nên sử dụng tên gọi nào cho đúng nhất sẽ được làm sáng tỏ trong phần này. Để đưa ra được khái niệm về hợp đồng thương mại dịch vụ là gì? Tác giả sẽ đi từ những đặc tính cơ bản nhất của hợp đồng thương mại dịch vụ để làm sáng tỏ khái niệm này.

-Hợp đồng thương mại dịch vụ trước hết là hợp đồng: Hợp đồng là một khái niệm xuất hiện từ lâu và hiện tại có khá nhiều khái niệm về hợp đồng. Chẳng hạn, điều 1, Bộ luật Thương mại thống nhất của Hoa Kỳ (Uniform Commerce Code – UCC) quy định “hợp đồng là sự tổng hợp các nghĩa vụ pháp lý phát sinh từ sự thỏa thuận của các bên”, Luật Hợp đồng năm 1999 của Trung Quốc quy định “Hợp đồng là sự thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể bình đẳng, tự nhiên của các tổ chức”[2]. Như vậy, hiểu một cách đơn giản hợp đồng là một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý giữa hai hay nhiều bên, những người đồng ý thực hiện hoặc không thực hiện một số hoạt động trong hiện tại hoặc trong tương lai. Điều 388 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Theo đánh giá của giới nghiên cứu trong nước và nước ngoài, khái niệm hợp đồng dân sự trong Bộ luật Dân sự 2005 có tầm khái quát và tương xứng với một khái niệm chung, áp dụng cho mọi loại hợp đồng chứ không chỉ dừng lại áp dụng cho hợp đồng dân sự.[3] Từ việc phân tích khái niệm về hợp đồng theo quy định của pháp luật một số nước, có thể đưa ra định nghĩa về hợp đồng như sau: “hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, căn cứ vào quy định của pháp luật, nhằm quy định quyền và nghĩa vụ đối với nhau khi thực hiện một công việc, một hoạt động hoặc một hành vi nhất định nào đó”.

Hợp đồng thương mại dịch vụ, do đó, cũng là sự thỏa thuận giữa các bên nhằm thực hiện các hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ. Vấn đề là ở chỗ, hoạt động thương mại – đối tượng của hợp đồng thương mại dịch vụ - có những điểm khác với hoạt động dân sự. Vì vậy, cần phải làm rõ khái niệm về hoạt động thương mại và hoạt động thương mại trong lĩnh vực dịch vụ.

- Hợp đồng thương mại dịch vụ là hợp đồng thương mại: trên thế giới, các nước thường không đưa ra khái niệm về hợp đồng thương mại nói chung mà chỉ đưa ra khái niệm về thương mại,[4] từ đó dẫn đến cách hiểu về hợp đồng thương mại. Luật mẫu của UNCITRAL về trọng tài thương mại đưa ra khái niệm thương mại: “Thuật ngữ “thương mại” cần được giải thích theo nghĩa rộng liên quan đến tất cả các vấn đề phát sinh từ các quan hệ có bản chất thương mại, dù là quan hệ hợp đồng hoặc không phải là quan hệ hợp đồng. Những quan hệ có bản chất thương mại bao gồm, nhưng không giới hạn bởi các giao dịch sau: giao dịch thương mại để cung cấp hoặc trao đổi hàng hoá hoặc dịch vụ; thoả thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại; hoa hồng; thuê mua; xây dựng công trình; tư vấn; kỹ thuật; li-xăng; đầu tư; tài chính; ngân hàng; bảo hiểm; thoả thuận thăm dò hoặc khai thác; liên doanh và các hình thức hợp tác công nghiệp hoặckinh doanh khác; vận tải hàng hoá hoặc hành khách bằng đường hàng không; đường biển, đường sắt hoặc đường bộ”. Trong khi đó thương mại theo cách hiểu thông qua các hiệp định của WTO bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư, thương mại quyền sở hữu trí tuệ.

Pháp luật hiện hành Việt Nam hiện nay không đưa ra khái niệm hợp đồng thương mại cũng như khái niệm “thương mại” nói chung mà thông qua khái niệm hoạt động thương mại trong Luật Thương mại năm 2005 để làm rõ đặc điểm của khái niệm thương mại. Điều 3.1 của Luật Thương mại năm 2005 quy định: “hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi...”. Từ đây, có thể hiểu hợp đồng thương mại là sự thỏa thuận giữa các bên để thực hiện các hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lợi. Cũng theo tinh thần của Luật Thương mại năm 2005, hoạt động thương mại bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác[5], nghĩa là, bất cứ hoạt động nào nhằm mục đích sinh lợi thì đó là hoạt động thương mại. Pháp luật Việt Nam thì nhấn mạnh khía cạnh sinh lợi để nói lên tính chất của hoạt động thương mại, sinh lợi không chỉ hiểu đơn thuần là lợi nhuận thông qua các con số có thể nhìn thấy ngay lập tức, mà sinh lợi còn bao gồm cả lợi ích kinh tế và tăng trưởng, phát triển của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động thương mại. Mặc dù cách qui định ở mỗi văn bản pháp lý khác về thương mại, nhưng bản chất của thương mại được thể hiện ở mục đích cuối cùng là sinh lợi.

-Hợp đồng thương mại dịch vụ là hợp đồng mua bán dịch vụ:

Nếu như đối tượng mua bán trong thương mại hàng hóa là hàng hóa – các sản phẩm hữu hình thì trong thương mại dịch vụ, đối tượng mua bán lại là dịch vụ - các sản phẩm vô hình, “là những thứ mà khi đem bán không thể rơi vào chân bạn”.[6] Một điều lưu ý rằng các dịch vụ cũng như hàng hóa ở đây phải được pháp luật cho phép tiến hành mua bán, cung cấp, trao đổi.

Hợp đồng thương mại dịch vụ còn được gọi là hợp đồng mua bán dịch vụ, hợp đồng cung cấp dịch vụ. Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 không gọi hợp đồng này là hợp đồng mua bán dịch vụ mà gọi là hợp đồng cung ứng dịch vụ, để giải thích sử dụng từ cung ứng ở đây thay vì từ cung cấp hoặc mua bán dịch vụ thì xuất phát từ lịch sử của Việt Nam, khi các ngành dịch vụ trong thời kỳ bao cấp đều do Nhà nước quản lý và cung ứng cho người dân, do đó Luật vẫn sử dụng từ cung ứng dịch vụ ở đây. Tuy nhiên, với cách hiểu về cung ứng dịch vụ như điều 3 khoản 9 của Luật Thương mại năm 2005 thì có thể thấy hợp đồng cung ứng dịch vụ là sự thỏa thuận, theo đó một bên (gọi là bên cung ứng dịch vụ) có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho bên khác và nhận thanh toán. Bên sử dụng dịch vụ (gọi là khách hàng) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận. Khái niệm này nhìn nhận cung ứng dịch vụ dưới góc độ là một hoạt động thương mại. Theo đó, hoạt động cung ứng dịch vụ mang đầy đủ các đặc điểm của một hoạt động thương mại: có ít nhất hai bên tham gia và nhằm mục đích sinh lợi. Tuy nhiên, từ khái niệm nêu trên, có thể thấy luật quy định rất rõ rằng bên sử dụng dịch vụ (khách hàng) phải trả tiền dịch vụ. Mà trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận với bên cung cấp dịch vụ cũng có nghĩa là mua và bán dịch vụ hay rộng hơn và bao quát hơn đó là thương mại dịch vụ. Vì vậy, có thể nói, hợp đồng cung ứng dịch vụ là hợp đồng mua bán dịch vụ. Hợp đồng này cũng mang tính thương mại.

Từ cách hiểu trên có thể đưa ra khái niệm về hợp đồng thương mại dịch vụ như sau: Hợp đồng thương mại dịch vụ là sự thỏa thuận hợp pháp giữa bên cung cấp dịch vụ và bên thuê dịch vụ nhằm xác lập, thay đổi và chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với nhau trong việc mua bán, cung cấp, trao đổi dịch vụ nhằm mục đích sinh lợi.

2.Đặc điểm của hợp đồng thương mại dịch vụ

Là hợp đồng thương mại, hợp đồng thương mại dịch vụ mang tất cả đặc điểm của hợp đồng thương mại nói chung. Đó là đặc điểm về mục đích sinh lợi; đặc điểm về chủ thể là các thương nhân, các chủ thể kinh doanh – thương mại. Bên cạnh đó, hợp đồng thương mại dịch vụ còn có một số đặc điểm riêng của nó. Đó là:

Thứ nhất, đặc điểm cơ bản nhất của hợp đồng thương mại dịch vụ là về đối tượng của hợp đồng. Như ở trên đã phân tích, đối tượng của hợp đồng cung ứng dịch vụ là dịch vụ - sản phẩm vô hình không tồn tại dưới dạng vật chất, do đó rất khó xác định chất lượng dịch vụ bằng những tiêu chí được lượng hóa. Bên cạnh đó, khác với hàng hóa hữu hình, dịch vụ là sản phẩm vô hình nên không thể lưu trữ được, vì vậy, trong việc mua bán hay cung ứng dịch vụ người ta không cần quan tâm đến nơi chứa dịch vụ, không quan tâm tới việc cất giữ, tồn kho hay dự trữ dịch vụ. Điều quan trọng nhất là các bên mua bán dịch vụ phải mô tả rất kỹ về dịch vụ, đặt ra những yêu cầu cụ thể mà mục tiêu các bên muốn hướng tới khi mua bán dịch vụ và điều này đòi hỏi các bên phải có sự am hiểu về tính chất của dịch vụ đó.

Thứ hai, chủ thể của hợp đồng thương mại dịch vụ thường được gọi là bên cung cấp dịch vụ và bên thuê dịch vụ hay còn gọi là khách hàng. Đây là một điểm khác biệt so với hợp đồng mua bán hàng hóa. Chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hóa thường được gọi là bên bán và bên mua. Cách gọi này thể hiện được sự chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa trong quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên, khi nghĩa vụ của người bán không chỉ đơn thuần là giao hàng mà còn gắn liền với nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa đó cho người mua. Còn cách gọi các chủ thể của hợp đồng cung ứng dịch vụ phần nào cho thấy bản chất của hoạt động cung ứng dịch vụ, đó là việc một bên cung cấp dịch vụ nhưng không chuyển giao quyền sở hữu dịch vụ đó[7], bên kia sử dụng dịch vụ và có nghĩa vụ thanh toán.

Thứ ba, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thương mại dịch vụ có thể là nghĩa vụ theo kết quả công việc hoặc theo nỗ lực và khả năng cao nhất. Theo Luật Thương mại 2005 thì nghĩa vụ theo kết quả công việc là trừ khi có thỏa thuận khác trong hợp đồng, nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải đạt được một kết quả nhất định thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện việc cung ứng dịch vụ với kết quả phù hợp với các điều khoản và mục đích của hợp đồng.[8] Còn nghĩa vụ theo nỗ lực và khả năng cao nhất là nếu tính chất của loại dịch vụ được cung ứng yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải nỗ lực cao nhất để đạt được kết quả mong muốn thì bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ cung ứng dịch vụ đó với sự nỗ lực và khả năng cao nhất.[9]

Thứ tư, hợp đồng cung cấp dịch vụ có thể chịu sự điều chỉnh của điều ước quốc tế về thương mại dịch vụ, luật quốc gia, tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả án lệ. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh thêm rằng, đối với hoạt động cung cấp dịch vụ, ngoài các nguồn luật nói trên thì hợp đồng mẫu được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là các hợp đồng cung ứng dịch vụ vận chuyển hoặc các qui tắc của các tổ chức cung cấp dịch vụ cũng là một trong những cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên.

3.Phân loại hợp đồng thương mại dịch vụ

Có nhiều cách phân loại hợp đồng thương mại dịch vụ dựa trên tiêu chí khác nhau để phân loại:

- Căn cứ vào tính chất quốc tế của hợp đồng có thể chia hợp đồng thương mại dịch vụ quốc tế và hợp đồng thương mại dịch vụ nội địa. Theo WTO và Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì tính chất quốc tế của hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ dựa vào sự di chuyển của bên cung cấp dịch vụ và bên nhận dịch vụ hoặc sự di chuyển của dịch vụ được cung cấp.

- Căn cứ vào phân ngành của WTO thì có thể chia thành 12 nhóm hợp đồng thương mại dịch vụ như sau: Hợp đồng thương mại dịch vụ kinh doanh; Hợp đồng thương mại dịch vụ truyền thông; Hợp đồng thương mại dịch vụ dịch vụ xây dựng và kỹ sư công trình; Hợp đồng thương mại dịch vụ phân phối; Hợp đồng thương mại dịch vụ giáo dục; Hợp đồng thương mại các dịch vụ môi trường; Hợp đồng thương mại các dịch vụ tài chính; Hợp đồng thương mại dịch vụ xã hội và liên quan đến sức khỏe; Hợp đồng thương mại dịch vụ du lịch và lữ hành; Hợp đồng thương mại các dịch vụ văn hoá và giải trí; Hợp đồng thương mại các dịch vụ vận tải; Hợp đồng thương mại dịch vụ khác.

- Căn cứ vào mục tiêu của dịch vụ, thì có thể chia hợp đồng thương mại dịch vụ được chia làm 4 nhóm như sau: nhóm 1: Hợp đồng thương mại dịch vụ phân phối: vận chuyển, lưu kho, bán buôn, bán lẻ, quảng cáo, môi giới...; nhóm 2: Hợp đồng thương mại dịch vụ sản xuất: ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, các dịch vụ về kỹ sư và kiến trúc công trình, dịch vụ kế toán kiểm toán, dịch vụ pháp lý... nhóm 3: Hợp đồng thương mại dịch vụ xã hội: dịch vụ sức khỏe, y tế, giáo dục, dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bưu điện, viễn thông, các dịch vụ nghe nhìn và các dịch vụ xã hội khác… Nhóm 4: Hợp đồng thương mại dịch vụ cá nhân: dịch vụ sửa chữa, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ giải trí, dịch vụ văn hoá, du lịch...

- Căn cứ vào dịch vụ quy định trong Luật Thương mại 2005 thì có những loại hợp đồng thương mại dịch vụ sau: Hợp đồng dịch vụ khuyến mại; Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại; Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ; Hợp đồng đại diện cho thương nhân; Hợp đồng ủy thác; Hợp đồng đại lý; Hợp đồng gia công; Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hóa; Hợp đồng dịch vụ quá cảnh; Hợp đồng nhượng quyền thương mại.

- Căn cứ vào Bộ luật dân sự Việt Nam 2005, mặc dù đây là các hợp đồng dân sự, tuy nhiên nếu mục đích của hợp đồng gắn với mục đích là sinh lợi thì các hợp đồng này sẽ là hợp đồng thương mại dịch vụ như đã phân tích ở phần trên, do đó chúng ta có thể có những loại hợp đồng thương mại dịch vụ sau: Hợp đồng bảo hiểm; Hợp đồng vận chuyển gồm vận chuyển hành khách và vận chuyển tài sản; Hợp đồng gia công; Hợp đồng gửi giữ tài sản; Hợp đồng ủy quyền; Hợp đồng dịch vụ.

- Căn cứ vào nghĩa vụ của dịch vụ thì chia thành hợp đồng thương mại dịch vụ theo kết quả công việc và hợp đồng thương mại dịch vụ theo nỗ lực khả năng cao nhất như đã phân tích ở phần đặc điểm hợp đồng thương mại dịch vụ.

- Căn cứ về mặt nội dung có thể chia thành hợp đồng thương mại dịch vụ đơn giản như hợp đồng sửa chữa hàng hóa (từ hàng hóa là máy vi tính đến dịch vụ sửa chữa tàu biển v.v...), hợp đồng chăm sóc sắc đẹp, hợp đồng vận chuyển hàng hóa... và các hợp đồng dịch vụ phức tạp như hợp đồng xây dựng, hợp đồng đào tạo, hợp đồng cung cấp dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm...

4. Vai trò của hợp đồng thương mại dịch vụ đối với doanh nghiệp

- Hợp đồng thương mại dịch vụ là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp thực hiện việc cung ứng dịch vụ thương mại cho khách hàng: Thương mại dịch vụ phát triển dẫn đến nhu cầu giao lưu trao đổi dịch vụ là cơ hội để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của mình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẽ không cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình nếu không dựa trên một cam kết cụ thể nào, và hợp đồng thương mại dịch vụ chính là công cụ, là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp này thực hiện việc cung cấp dịch vụ này. Thông qua hợp đồng thương mại dịch vụ, các doanh nghiệp bước vào một thỏa thuận với những đối tác của mình thông qua niềm tin mà chúng ta gọi là luật để đảm bảo rằng những thỏa thuận cung cấp dịch vụ đó sẽ được thực hiện. Hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ bao gồm cả một quá trình đàm phán liên quan đến rất nhiều điều khoản mà các bên phải tình tới. Quá trình đàm phán có thể mất nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng phụ thuộc vào nội dung và sự hợp tác của các bên. Hợp đồng thương mại dịch vụ còn là quá trình đấu tranh nhằm thay đổi hoặc thêm bớt trong thỏa thuận. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được, doanh nghiệp sẽ xác định cụ thể về sản phẩm dịch vụ mình cung cấp như thế nào, từ một sản phẩm “vô hình” như dịch vụ, thông qua hợp đồng “dịch vụ” sẽ được cụ thể hóa, mô tả hóa giúp cho các bên mường tượng được sản phẩm đó như thế nào, sự thỏa thuận đó đảm bảo sự bình đẳng thực sự của các bên, thể hiện ý chí nguyện vọng của họ và góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Hợp đồng thương mại dịch vụ là cơ sở để doanh nghiệp xác định quyền và nghĩa vụ của mình. Trong một chừng mực nào đó, hợp đồng thương mại dịch vụ cho phép các doanh nghiệp tạo ra một luật lệ riêng – thông qua những điều khoản của thỏa thuận mà các bên đã giao kết – điều chỉnh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác. Bên cạnh những quyền và nghĩa vụ cơ bản mà pháp luật quy định về hợp đồng cung ứng dịch vụ thì các bên sẽ quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ như cung cấp dịch vụ trong bao lâu, mức độ hài lòng được đánh giá như thế nào, tiến độ thanh toán, trách nhiệm của các bên nếu không thực hiện cam kết của mình.

Hợp đồng có giá trị pháp lý như luật (contract = law) là công thức để giúp cho các doanh nghiệp có cơ sở bảo vệ các lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp xảy ra. Nếu như sự an toàn của con người, tài sản được bảo đảm trên cơ sở những quy định trong Bộ Luật hình sự thì sự an toàn và trật tự trong thế giới kinh doanh lại phụ thuộc vào hợp đồng. Trong kinh doanh, để đi đến hợp đồng là điều khó, nhưng để hoàn thành một hợp đồng mà các bên đều hài lòng lại là điều khó hơn, thực vậy, khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp không thể lường trước hết mọi tình huống sẽ xảy ra trong tương lai, nguyên nhân dẫn đến việc không hoàn thành hay không thực hiện những thỏa thuận có thể là khách quan nhưng cũng có thể là chủ quan dẫn để dẫn đến tranh chấp. Vì vậy, hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ giúp cho các bên xác định được ai sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp của mình và các cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án hay trọng tài cũng không thể giải quyết một vụ tranh chấp nếu không có bằng chứng về sự thỏa thuận, cam kết của các bên và một lần nữa hợp đồng hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ trở nên vô cùng quan trọng để qua đó cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp.

- Hợp đồng thương mại dịch vụ là công cụ quan trọng để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của mình trong hoạt động kinh doanh: Tài chính là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thông qua hợp đồng, các doanh nghiệp dịch vụ sẽ xác định được chi phí, giá cả theo một thời gian nhất định trong quá trình cung cấp dịch vụ, tránh được những rủi ro tiềm ẩn trong việc tăng chi phí khi hoạt động. Từ đó giúp cho doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch tài chính chủ động, là điều quan trọng nhất trong việc thực hiện chiến lược cạnh tranh tổng quát của doanh nghiệp. Hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ được những đối tác có tư duy “ăn thật làm giả” khi tham gia vào thị trường dịch vụ: như đã đề cập, sự khó khăn trong vấn đề xác định “hình dáng” dịch vụ cũng chính là cơ hội để nhiều doanh nghiệp lợi dụng cung cấp những sản phẩm không như mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, thông qua hợp đồng các doanh nghiệp chân chính sẽ được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích của mình từ đó tránh được những nguy cơ bị lường gạt. Ngoài ra, hợp đồng giúp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng uy tín và thương hiệu: dịch vụ là một lĩnh vực nhạy cảm khi được đo đếm bằng sự hài lòng của khách hàng, đối tác, có nhiều trường hợp khách hàng chỉ cần sử dụng dịch vụ một lần là nhớ mãi và có thể trở thành kênh quảng cáo cho doanh nghiệp. Việc thực hiện đúng, tốt những cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng sẽ mang tới sự thỏa mãn, tin tưởng cho khách hàng, đối tác của doanh nghiệp và chính họ sẽ là cầu nối cho doanh nghiệp với những khách hàng, đối tác mới, từ đó giúp doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh

Những thỏa thuận trong hợp đồng sẽ là cơ sở để doanh nghiệp rằng buộc và giữ chân những khách hàng của mình và gia tăng thị trường cung cấp dịch vụ: khi kinh tế phát triển, sẽ kéo theo số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ sẽ gia tăng, đồng thời sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn. Hợp đồng trước tiên sẽ giúp cho doanh nghiệp giữ chân được cách khách hàng cũ của mình, thông qua các điều khoản ràng buộc về thời gian và cách thức sử dụng dịch vụ. Sau đó nó cũng là công cụ để lôi kéo khách hàng của đối thủ cạnh tranh bằng những thỏa thuận mang tính thuyết phục đối với các bên. “Thương trường là chiến trường” là câu ngạn ngữ mà các thương nhân đều nắm được và hợp đồng là “vũ khí” cho các thương nhân trong chiến trường đó. Trong hoạt động kinh tế, khi một giám đốc doanh nghiệp cầm bút ký tên vào một hợp đồng thương mại dịch vụ mà không đọc nghiên cứu kỹ, có sơ hở, sẽ có thể dẫn đến thiệt hại cực kỳ to lớn, bởi vì khi một hợp đồng đã được ký kết thì nó có hiệu lực pháp luật đối với cả hai bên. Do đó, nắm vững về hợp đồng là đã nâng cao một phần lớn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ cơ sở để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm và ký kết các hợp đồng khác: thương mại hoạt động dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng cả trong quá trình sản xuất, nó bổ trợ cho hoạt động sản xuất. Khi sản xuất phát triển, bên cạnh việc thường xuyên tham gia vào các hợp đồng mua bán, các doanh nghiệp sản xuất luôn chú trọng tham gia vào các quan hệ để bảo đảm cung ứng những điều kiện cần thiết cho sản xuất, vận tải, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, tăng năng suất lao động, cải tiến các dây chuyền sản xuất và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt xã hội do đó nhu cầu cần các hoạt động dịch vụ bổ trợ cũng sẽ tuân theo ví dụ như dịch vụ phân phối, dịch vụ đại diện, logicstic cũng tăng lên và hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

- Hợp đồng thương mại dịch vụ là công cụ hữu hiệu để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường dịch vụ nước ngoài.

Cùng với xu hướng phát triển của nền kinh tế đặc biệt là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay thì hoạt động cung cấp dịch vụ không chỉ gói gọn trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia mà được rộng sang thị trường quốc tế. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ của mình. Thâm nhập thị trường dịch vụ nước ngoài không phải là điều dễ làm khi ở một môi trường mới khác biệt về văn hóa, pháp luật, chính trị. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nắm bắt những cơ hội mà mình có được, đồng thời phải đảm bảo cho mình những quyền lợi, lợi ích và loại bỏ những rủi ro tiềm tàng trong kinh doanh, hợp đồng vẫn chính là câu trả lời cuối cùng cho những mục tiêu đó. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện nay cũng là điểm đến của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp này mang đến nhiều nét mới cho thị trường dịch vụ ở Việt Nam, việc giao kết những hợp đồng với các doanh nghiệp này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam đặt nền móng cho mối quan hệ với công ty có quy mô lớn, từ đó tạo tiền đề cho sự phát triển ra nước ngoài. Trong thương trường quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị đánh giá là yếu thế hơn về tiềm lực tài chính, quan hệ bạn hàng do đó chúng ta thường bị rơi vào tình trạng bị động trong quá trình đàm phàn. Pháp luật của các nước hiện nay đều thừa nhận sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng dù thỏa thuận đó là không công bằng, ở một số nước có quy định loại bỏ những điều khoản mang tính không công bằng đó nhưng chỉ đối với loại hợp đồng giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng ví dụ như theo điều khoản Luật về các điều khoản không công bằng của Anh năm 1977 (Unfair Contract Term Act 1977) hoặc Luật mua bán hàng hóa và dịch vụ của Australia năm 1982 (Supply of Good and services Act 1982) không cho phép các doanh nghiệp đưa vào hợp đồng những điều khoản bất công trong hợp đồng nhằm loại bỏ trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Do đó, thông qua hợp đồng thương mại dịch vụ thì doanh nghiệp mới tránh rơi vào tình trạng bị chèn ép trong kinh doanh và nó sẽ là công cụ bảo vệ cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước ngoài.

5. Kết luận

Với những phân tích trên bài viết đã làm rõ những khái niệm, đặc điểm, phân loại về hợp đồng thương mại dịch vụ. Trong đó đã làm sáng tỏ được khái niệm về hợp đồng thương mại dịch vụ, đây được xem là một khái niệm mới để có thể thay thế với khái niệm hợp đồng cung ứng dịch vụ hoặc là hợp đồng cung cấp dịch vụ. Ngoài ra bài viết đã làm rõ vai trò của hợp đồng thương mại dịch vụ đối với các doanh nghiệp hiện nay. Hợp đồng thương mại dịch vụ sẽ càng ngày càng đóng góp cho sự phát triển nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam và cho sự phát triển của ngành dịch vụ nói chung. Hợp đồng thương mại dịch vụ không chỉ là một công cụ pháp lý mà qua đó nhu cầu trao đổi, giao lưu của người được thực thi và bảo đảm, giúp cho luồng lưu thông hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của con người, xã hội và nền kinh tế. Vì vậy các doanh nghiệp cần phải có những nghiên cứu cụ thể về hợp đồng thương mại dịch vụ để tránh những rủi ro pháp lý mà loại hợp đồng này có thể mang lại.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I.Tiếng Việt

   Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005

   Bộ Tư Pháp, Trung tâm thông tin tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ, GTZ.(2010), Cẩm nang pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, tập I, II, NXB Tư pháp

   Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP 3), (2011), Báo cáo chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ tới năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025

   Đinh Thị Mai Phương .(2005), Thống nhất Luật hợp đồng ở Việt Nam, NXB Tư Pháp, tr. 67.

   Luật Thương mại Việt Nam 2005

   Nguyễn Thị Mơ. (2004), “Lựa chọn bước đi và giải pháp để Việt Nam mở cửa về dịch vụ thương mại”, NXB Lý luận chính trị.

   UBQG về hợp tác kinh tế quốc tế. (2005), Tổng quan các vấn đề về tự do hóa thương mại dịch vụ, Tập 1,2,3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

   VCCI, DANIDA. (2010), cẩm nang hợp đồng thương mại, NXB Lao động.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp tốt nhất

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN