Hợp đồng kinh tế hay hợp đồng thương mại

hop-dong-kinh-te-hay-thuong-maiLuật thương mại được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005. Luật này thay thế Luật thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

 

- Căn cứ Nghị quyết 45/2005/QH11 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá XI, kỳ họp thứ 7 (Từ ngày 05 tháng 5 đến ngày 14 tháng 6 năm 2005 về việc thi hành bộ luật dân sự, Bộ luật dân sự được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, Bộ luật dân sự này thay thế Bộ luật dân sự được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 10 năm 1995; Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 29 tháng 9 năm 1989 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật dân sự có hiệu lực.

- Như vậy, đã hơn hai năm kể từ ngày Luật Thương mại, Bộ Luật dân sự có hiệu lực và ngày Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 hết hiệu lực, nhưng vẫn còn các đề nghị tư vấn pháp luật được các doanh nghiệp gửi đến với nội dung khá giống nhau “Bây giờ, ký kết hợp đồng kinh tế thì căn cứ vào văn bản pháp luật nào?” hoặc tồn tại các mẫu hợp đồng với căn cứ vào Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989. Trước thực trạng đó, có rất nhiều vấn đề được đặt ra, trong đó đã loại trừ vấn đề tuyên truyền pháp luật chậm và chậm cập nhật văn bản pháp luật mới.

-Vấn đề thứ nhất, căn cứ pháp lý để các doanh nghiệp ký kết hợp đồng hiện nay đương nhiên sẽ là Luật Thương Mại và Bộ Luật Dân sự hay các luật khác có liên quan với Hoạt động thương mại đặc thù, mà không phải Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, 1989 nữa vì đã hết hiệu lực. Tùy thuộc vào chủ thể ký kết hợp đồng, đối tượng của hợp đồng và các yếu tố khác cấu thành hợp đồng mà các doanh nghiệp ký kết hợp đồng căn cứ vào Luật Thương Mại hay Bộ Luật Dân sự hay luật khác, với Hoạt động thương mại đặc thù theo quy định tại Điều 4, Luật Thương Mại, 2005.

- Vấn đề thứ hai là tiêu đề (tên gọi) hợp đồng. Trước đây, hợp đồng nào được các doanh nghiệp ký kết cũng mang tên “Hợp đồng kinh tế”. Tên đó được đặt ngay dưới Quốc hiệu “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Bây giờ, khi không còn Pháp lệnh hợp đồng kinh tế nữa thì về mặt pháp lý không còn tồn tại khái niệm, tên gọi “Hợp đồng kinh tế”. Nhưng trên thực tế, mọi người vẫn gọi là “Hợp đồng kinh tế”, nghe thế có vẻ như là chính thức hơn, đúng hơn, quan trọng hơn. Thực ra, nếu đó chỉ là thói quen trong việc gọi tên thì không vấn đề gì, cũng giống như nhiều doanh nghiệp vẫn cứ nói với người lao động của họ là “cảnh cáo”, “ cho thôi việc”, là những hình thức xử lý kỷ luật áp dụng trong quan hệ pháp luật hành chính, lĩnh vực công chức với Nhà nước chứ không không được quy định để áp dụng trong quan hệ pháp luật lao động. Tuy nhiên, trên văn bản chính thức và đặc biệt là căn cứ để áp dụng pháp luật thì cần có sự chính xác và đúng quy định của pháp luật. Do đó, cùng với việc bỏ căn cứ vào “ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế”, thì khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cũng không nên dùng tên “Hợp đồng kinh tế” nữa.

- Vấn đề thứ ba là không còn khái niệm pháp lý hay “tên gọi” Hợp đồng kinh tế, thì dùng tên gọi, tiêu đề nào đây? Có những ý kiến cho rằng chỉ cần dùng tiêu đề “Hợp đồng” là được. Nhưng đã thành thói quen thì dùng như thế nghe có vẻ hơi trống và thiếu thiếu, hơn nữa không nói rõ được nội dung của hợp đồng, quy định pháp luật điều chỉnh ngay ở cái tiêu đề đầu tiên. Như vậy, tốt hơn là sử dụng chính phân loại hợp đồng để điều chỉnh của Luật Thương mại, Bộ Luật dân sự hay các luật khác. Luật Thương mại quy định các loại hợp đồng như: hợp đồng mua bán hàng hoá (Điều 24, Luật Thương mại), Hợp đồng dịch vụ (Điều 74, Luật Thương mại). Để cho chi tiết, cụ thể hơn nữa, đối với từng loại hàng hóa và dịch vụ lại gắn với tên của hàng hóa và dịch vụ đó, ví dụ, Hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại (Điều 110, Luật Thương mại), Hợp đồng dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ (Điều 124, Luật Thương mại), Hợp đồng dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại (Điều 140, Luật Thương mại), Hợp đồng đại diện cho thương nhân (Điều 142), Hợp đồng uỷ thác ((Điều 159), Hợp đồng đại lý (Điều 168), Hợp đồng gia công (Điều 179), Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá (Điều 193), Hợp đồng dịch vụ quá cảnh (Điều 251), hợp đồng cho thuê hàng hoá (Điều 274), Hợp đồng nhượng quyền thương mại (Điều 285). Bộ luật Dân sự quy định các loại hợp đồng như : Hợp đồng mua bán tài sản (Điều 428), hợp đồng mua bán nhà ((Điều 450), Hợp đồng trao đổi tài sản (Điều 463) Hợp đồng tặng cho tài sản (Điều 465), Hợp đồng vay tài sản (Điều 468), Hợp đồng thuê tài sản (Điều 480); hợp đồng thuê nhà (Điều 492), Hợp đồng thuê khoán tài sản (Điều 501), Hợp đồng mượn tài sản (Điều 512), Hợp đồng dịch vụ (Điều 518), Hợp đồng vận chuyển hành khách (Điều 527), Hợp đồng vận chuyển tài sản (Điều 535); Hợp đồng gia công (Điều 547), Hợp đồng gửi giữ tài sản (Điều 559), Hợp đồng bảo hiểm (Điều 567) và Các loại hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự (Điều 568), Hợp đồng uỷ quyền (Điều 581). Ngoài ra, có các loại hợp đồng khác theo các luật khác đối với hoạt động đặc thù như Hợp đồng tư vấn pháp luật theo Luật Luật sư, Hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao đồng…

- Vấn đề thứ tư là giá trị các căn cứ được trình bày, thể hiện trên hợp đồng. Việc trình bày đúng căn cứ pháp lý giúp các bên áp dụng đúng các quy định có liên quan trong quá trình các bên thực hiện các thỏa thuận của mình trong hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp các bên thể hiện các căn cứ pháp lý đó không đúng trong hợp đồng thì như thế nào? Có phải các bên trong hợp đồng thỏa thuận với nhau sẽ căn cứ vào Bộ luật dân sự trong khi đúng theo phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chủ thể và các yếu tố khác của hợp đồng thì phải căn cứ vào Luật Thương mại thì khi xảy ra tranh chấp giữa các bên, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ áp dụng căn cứ sai đó không? Câu trả lời là “không”. Cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài hoặc tòa án) sẽ áp dụng theo đúng các quy định của pháp luật mà xử lý chứ không phải theo phần căn cứ trong hợp đồng giữa các bên. Như vậy, chỉ có bên nào nhận định và áp dụng các căn cứ pháp lý không đúng đó sẽ bị chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng là rất quan trọng đối với doanh nghiệp.

- Rõ ràng, chỉ là phần căn cứ pháp lý và tiêu đề, tên gọi hợp đồng tưởng chừng như rất nhỏ và đơn giản mà không hề nhỏ một chút nào. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng rất có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Việc xác định đúng, áp dụng đúng, ký kết đúng hợp đồng thương mại ngay từ bước đầu sẽ định hướng tốt cho các doanh nghiệp trong hàng loạt các hoạt động về sau trong quá trình sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, việc sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật trong ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam gia nhập WTO có hàng loạt những quy phạm pháp luật quốc tế cần phải biết và áp dụng đúng, khi các quy định pháp luật trong nước trên mọi lĩnh vực được ban hành với số lượng lớn và có khả năng thay đổi nhanh chóng. Chỉ có sự chuyên nghiệp hóa trong tư vấn pháp lý mới đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp tốt nhất

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN