Thương thảo Hợp đồng trong khi thị trường thay đổi

thuong-thao-hop-dong-xay-dungNhà thầu M được xét duyệt trúng gói thầu xây lắp với giá trúng thầu là 17 tỷ đồng (giá gói thầu là 18 tỷ đồng). Tuy nhiên, tại thời điểm thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, giá thép xây dựng trên thị trường có sự sụt giảm mạnh (giảm khoảng 2.000 đồng/kg). Trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, bên mời thầu đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại giá thép đã chào trong hồ sơ dự thầu (HSDT) cho phù hợp với giá thị trường.

Tiếp đó, bên mời thầu đã tính toán lại (áp giá thép ở thời điểm thương thảo) và đề nghị nhà thầu M ký hợp đồng với giá hợp đồng là 16,5 tỷ đồng.

Cách làm của bên mời thầu có phù hợp với Luật Đấu thầu và Nghị định hướng dẫn thi hành không?

Chào bạn !

TLLAW.VN xin tư vấn luật doanh nghiệp như sau:

Tình huống của Bạn liên quan tới quá trình thương thảo, hoàn thiện Hợp đồng trong bối cảnh thị trường thay đổi.

Quá trình lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu không phải chỉ được quy định trong Luật, mà được quy định chi tiết trong Nghị định của Chính phủ và cụ thể hóa trong các Thông tư hướng dẫn thực hiện của các Bộ liên quan. Tất cả quy định nhằm làm cho các hoạt động đấu thầu sử dụng nguồn vốn nhà nước đạt được các mục tiêu là công bằng, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Các mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi mọi đối tượng tham gia hoạt động đấu thầu phải hiểu và thực hiện đúng theo các quy định. Theo đó, các nội dung từ việc thông báo mời thầu trên Báo Đấu thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT), làm rõ HSMT, đánh giá HSDT, thương thảo, hoàn thiện hợp đồng... đều có quy định chi tiết.

Theo Luật Đấu thầu, Nghị định 85/2009/NĐ-CP, trong mẫu HSMT xây lắp quy định căn cứ và nội dung đối với quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng, gồm:

- Các vấn đề còn tồn tại, chưa hoàn chỉnh.

- Chi tiết hóa các nội dung còn chưa cụ thể như áp giá đối với sai lệch.

- Xem xét các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, phương án thay thế hoặc bổ sung do nhà thầu đề xuất (nếu có).

- Bảng tiên lượng mời thầu chưa chính xác so với thiết kế và đơn giá cho các khối lượng chưa có trong HSMT.

Như vậy, trong thương thảo, hoàn thiện hợp đồng không có nội dung điều chỉnh đơn giá theo giá thị trường.

                                                                                              

Việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu tuân theo các quy định là sự cần thiết. Do đó, khi thực hiện có trường hợp người này lợi, người kia thiệt là chuyện bình thường. Theo quy định, HSMT là 1 căn cứ pháp lý để đánh giá HSDT, do đó không thể loại 1 nhà thầu có HSDT đáp ứng HSMT và càng không thể chọn 1 nhà thầu có HSDT không đáp ứng HSMT. Đồng thời, HSDT là lời cam kết của nhà thầu đối với yêu cầu của HSMT, bao gồm cam kết về chất lượng, về tiến độ, về bảo hành... cùng với giá dự thầu do nhà thầu đề xuất. Do đó, khi được lựa chọn là nhà thầu trúng thầu thì đương nhiên nhà thầu phải thực hiện lời hứa trong HSDT nhưng chủ đầu tư cũng phải chấp nhận giá dự thầu của nhà thầu để họ đủ vật chất hoàn thành các công việc đã nêu trong HSDT. Chính vì vậy, tại khoản 28 Điều 4 Luật Đấu thầu quy định: "Giá đề nghị trúng thầu là giá do bên mời thầu đề nghị trên cơ sở giá dự thầu của nhà thầu được lựa chọn trúng thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh các sai lệch theo yêu cầu của HSMT".

Giá đề nghị trúng thầu này sau khi có báo cáo thẩm định về kết quả đấu thầu thì trở thành giá trúng thầu (do chủ đầu tư phê duyệt), làm cơ sở để thương thảo, hoàn thiện hợp đồng (với nội dung đã đề cập ở trên) nhằm tiến tới ký hợp đồng. Thông thường, khi tham dự thầu, nhà thầu phải gánh chịu nhiều chi phí, tham gia một vài cuộc mới trúng một cuộc thầu, phải đưa ra giá dự thầu cạnh tranh nhưng lại phải đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Khi đã đóng thầu thì nhà thầu không được thay đổi HSDT, tuy được yêu cầu làm rõ HSDT nhưng với điều kiện không làm thay đổi nội dung cơ bản của HSDT, không thay đổi giá dự thầu. Các quy định này nói lên rằng, khi được trúng thầu để được thương thảo, hoàn thiện hợp đồng thì đây là vinh dự xứng đáng đối với nhà thầu. Người ta thường gọi là nhà thầu được trao hợp đồng, được trao 1 phần thưởng như trong các cuộc thi khác.

Khi yêu cầu nhà thầu phải tôn trọng HSMT thì chủ đầu tư, bên mời thầu cũng phải tôn trọng các nội dung HSDT của nhà thầu. Đấy là sự công bằng.

Việc bên mời thầu yêu cầu giảm đơn giá thép xuống 2.000 đồng/kg trong tình huống của Bạn là thiếu cơ sở pháp lý. Thử hỏi, nếu giá thép tăng 5.000 đồng/kg thì nhà thầu có được hưởng tăng lên không? Bên mời thầu căn cứ vào thông tin từ đâu, mức độ tin cậy ra sao? Hôm nay đang thương thảo, hoàn thiện hợp đồng thì giá thép giảm 2.000 đồng/kg, khi ký hợp đồng thì giá thép tăng 3.000 đồng/kg, rồi khi thực hiện giá thép tăng tiếp 10.000 đồng/kg thì sao?

Tất cả câu chuyện biến đổi của thị trường về giá là thuộc trách nhiệm của nhà thầu, do vậy bên mời thầu cần tôn trọng HSDT đã có của họ. Trong hoạt động kinh doanh, đầu tư không ai có thể chế ngự được sự biến động của thị trường, thay vì phải tìm biện pháp hạn chế thì nên chia sẻ rủi ro.

Tóm lại, cách xử lý của bên mời thầu chỉ đúng với trường hợp đấu thầu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Hãy nhấc máy gọi số 0394721077 - 0373844485 để được sử dụng dịch vụ tư vấn luật doanh nghiệp tốt nhất

Công ty chúng tôi luôn có đội ngũ luật sư giỏi, uy tín, và có tính chuyên nghiệp, tính quốc tế cao. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng.

“ Thành công của khách hàng là thành công của TLLAW.VN